In offset là một kỹ thuật in ấn được áp dụng rất phổ biến trong lĩnh vực in ấn, đặc biệt là trong in ấn thương mại. Với kỹ thuật in này các hình ảnh dính mực in sẽ được ép lên các tấm cao su hay còn gọi là các tấm offset trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy, giúp tránh tránh được nước dính lên giấy theo mực in.
Vậy quy trình in offset để sản xuất bao bì giấy bao gồm mấy công đoạn? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn thông qua bài viết dưới đây nhé!
Quy trình in offset trong sản xuất bao bì giấy
1. Thiết kế chế bản
Việc đầu tiên cần làm trong quy trình in offset chính là thiết kế chế bản dựa vào các thông tin về sản phẩm hay dịch vụ cần quảng cáo trên máy tính. Sau đó, đưa lên máy tính để xử lý và sắp xếp cho hài hòa, ấn tượng dựa theo ý tưởng của người thiết kế và ý muốn của khách hàng.
2. Output Film
Sau khi đã xong công đoạn chế bản, tiến hành xuất để outfilm. Đối với các tờ rơi có hình ảnh, film sẽ được xuất ra thành 4 tấm đại diện cho 4 lớp màu C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black) và đây chính là hệ màu trong quy trình in offset. Chẳng hạn khi muốn có màu đỏ, có thể pha màu vàng yellow và màu M (Mageta), muốn có màu xanh Blue, có thể pha màu C và màu M…
3. Phơi bản kẽm
Công đoạn tiếp theo là phơi bản kẽm bằng cách phơi 4 tấm phim lên từng bản kẽm hay đem chụp ảnh của từng tấm phim lên từng bản kẽm bằng máy phơi kẽm. Lúc này, chúng ta có được 4 bản kẽm đại diện cho 4 màu C, M, Y, K để tiến hành in.
4. In offset
Trong công đoạn in offset này, người ta sẽ in lần lượt từng màu một. Trước tiên, lựa chọn một trong 4 màu kể trên rồi lắp lên quả lô máy in offset, tại phần vào mực của máy cho loại mực tương ứng với màu bản kẽm và tiến hành in. Khi in, quả lô quay qua tờ giấy đập phần tử in xuống giấy in cho đến khi chạy xong hết số lượng in. Sau đó, tháo kẽm ra, bỏ hết mực cũ, vệ sinh rồi lắp kẽm mới vào. Chẳng hạn nếu màu vừa in xong là màu C thì tiếp theo sẽ lắp kẽm Y và mực in Y để cho giấy đã in một màu khác và tiếp tục quy trình cho đến khi in hết 4 màu, khi 4 màu in chồng lên nhau sẽ cho ra bản in cuối cùng.
Cần chú ý, khi in với mỗi màu cần cho chạy thử khoảng 50 bản cho màu thật ổn định và với 4 màu cần khoảng 200 bản in nên trước quá trình in offset cần tính dư giấy ra khoảng 200 tờ để bù hao giấy.
5. Gia công sau in
Là công đoạn cuối cùng trong quy trình in offset nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với chất lượng của mỗi sản phẩm in. Các biện pháp gia công sau in bao gồm cán láng (cán mờ và cán bóng) để tạo nên bề mặt mịn, mềm hay bề mặt các mẫu in bao bì giấy cao cấp bóng và đẹp hơn. Ngoài ra, còn có các biện pháp như xén, cán bế, ép kim, ép nhũ và nhiều biện pháp khác.